Lợi ích khi dùng chứng chỉ HSK xét tuyển đại học bạn đã biết chưa?
Trong vài năm gần đây, xu hướng xét tuyển đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Nhiều trường đại học top đầu như Đại học Ngoại thương, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa,… đã mở rộng phương thức tuyển sinh bằng các chứng chỉ như IELTS, TOEFL, và đặc biệt là HSK – chứng chỉ năng lực Hán ngữ quốc tế do Trung Quốc cấp.
Nếu như IELTS hay TOEFL là “tấm vé” cho các ngành học liên quan đến tiếng Anh, thì HSK cũng đang dần trở thành một lợi thế rõ rệt đối với học sinh yêu thích tiếng Trung và mong muốn theo học các ngành như Ngôn ngữ Trung Quốc, Quan hệ quốc tế, Trung Quốc học,…
Vì vậy, HSK ngày nay không chỉ là một chứng chỉ ngôn ngữ, mà còn là cánh cửa mở ra nhiều cơ hội học tập đại học, giảm áp lực thi cử và tăng tính cạnh tranh cho thí sinh.
I. Các trường ở Việt Nam hiện đang dùng HSK xét tuyển Đại học
Mỗi trường có cơ chế riêng về việc sử dụng chứng chỉ HSK trong xét tuyển. Một số trường quy đổi điểm HSK thành điểm xét tuyển, trong khi các trường khác sử dụng HSK như một tiêu chí để xét tuyển kết hợp.
1. Đại học Hà Nội
Chứng chỉ ngoại ngữ HSK được xét tuyển kết hợp và quy đổi theo quy định Trường Đại học Hà Nội. Đối với ngôn ngữ Trung Quốc, yêu cầu chứng chỉ HSK 4 và HSKK trung cấp (điểm các kỹ năng HSK đạt 70 điểm trở lên và HSKK trung cấp đạt 70 điểm trở lên). Đơn vị cung cấp chứng chỉ là Trung tâm Hợp tác ngôn ngữ Trung Quốc với nước ngoài (CLEC), Bộ Giáo dục Trung Quốc. Bảng điểm quy đổi như sau:
Bậc | Chứng chỉ | Điểm tương đương | Hệ số quy đổi | Điểm quy đổi |
(1) | (2) | (3) = (1) * (2) | ||
4 | HSK 4 (210 điểm trở lên, 3 kỹ năng đạt từ 70 điểm trở lên, HSKK trung cấp đạt từ 60 điểm trở lên) | 10 | 1.0 | 10 |
4 | HSK 4 (240 điểm trở lên, 3 kỹ năng >= 70 điểm, HSKK trung cấp >= 60 điểm) | 10 | 1.2 | 12 |
5 | HSK 5 (180 điểm trở lên, 3 kỹ năng đều >= 60 điểm, HSKK cao cấp >= 60 điểm) | 10 | 1.4 | 14 |
5 | HSK 5 (240 điểm trở lên, 3 kỹ năng >= 70 điểm, HSKK cao cấp >= 60 điểm) | 10 | 1.5 | 15 |
6 | HSK 6 (180 điểm trở lên, 1 kỹ năng có thể đạt từ 56 điểm trở lên, HSKK cao cấp đạt 60 điểm trở lên) | 10 | 1.6 | 16 |
Nguồn: Website trường Đại học Hà Nội (2024)
2. Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội
Trường Đại học Ngoại ngữ xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điều kiện xét tuyển là thí sinh cần tốt nghiệp THPT hoặc tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ trong đó có tiếng Trung Quốc. Yêu cầu chứng chỉ ngôn ngữ này đạt từ HSK 5 và HSKK do văn phòng Hán Ngữ đối ngoại Trung Quốc (Hanban) cấp, hoặc các đơn vị sau đây: Ủy ban Khảo thí trình độ Hán Ngữ quốc gia; Tổng bộ Viện Khổng Tử; Trung tâm hợp tác giao lưu ngôn ngữ Trung Quốc và nước ngoài.
Bảng điểm quy đổi như sau:
STT | HSK | HSKK | Quy đổi điểm thang điểm 10 |
1 | HSK 5 (từ 180 đến 210) | Đạt từ 60 điểm trở lên | 8.50 |
2 | HSK 5 (từ 211 đến 240) | 9.00 | |
3 | HSK 5 (từ 241 đến 300) | 9.25 | |
4 | HSK 6 (từ 180 đến 210) | 9.50 | |
5 | HSK 6 (từ 211 đến 240) | 9.75 | |
6 | HSK 6 (từ 241 đến 300) | 10.00 |
Nguồn: Website Trường Đại học Ngoại Ngữ (2024)
3. Đại học Mở Hà Nội
Đối với trường Đại học Mở Hà Nội, sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc yêu cầu phải có kỹ năng cứng là tiếng Trung 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, tương đương chứng chỉ HSK 5. Bên cạnh đó, Trường còn mở xét tuyển kết hợp với một số ngành với bảng điểm quy đổi sau:
Chứng chỉ Ngoại Ngữ | Điểm ngoại ngữ quy đổi thang điểm 10 | ||
Điểm 9.0 | Điểm 9.5 | Điểm 10 | |
Chứng chỉ HSK | HSK 3 | HSK 4 | HSK 5 |
Nguồn: Website Đại học Mở Hà Nội
4. Đại học Thương Mại
Xét tuyển kết hợp với chứng chỉ quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp THPT. Yêu cầu chứng chỉ IELTS, TOEFL, TCF, HSK đạt cấp độ 4 trở lên,…
Bảng điểm quy đổi như sau:
Chứng chỉ | Điểm | Hệ số quy đổi | Điểm quy đổi |
HSK 4 | 10 | 1.2 | 12 |
HSK 5 | 10 | 1.4 | 14 |
HSK 6 | 10 | 1.6 | 16 |
Nguồn: Website Đại học Thương Mại (2022)
5. Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Đà Nẵng
Ngôn ngữ Trung Quốc với chứng chỉ HSK đạt từ cấp độ 3 trở lên, TOCFL đạt từ cấp độ 3 trở lên. Bảng điểm quy đổi như sau:
Chứng chỉ | HSK | |||
Bậc 3 | Bậc 4 | Bậc 5 | Bậc 6 | |
Điểm quy đổi | 216 | 244 | 272 | 300 |
Chứng chỉ | TOCFL | |||
Bậc 3 | Bậc 4 | Bậc 5 | Bậc 6 | |
Điểm quy đổi | 216 | 244 | 272 | 300 |
Nguồn: Website Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Đà Nẵng
6. Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh
Bảng điểm quy đổi chứng chỉ HSK như sau:
Chứng chỉ ngoại ngữ | Mức quy đổi thang điểm 10 | |||
Điểm 7.0 | Điểm 8.0 | Điểm 9.0 | Điểm 10 | |
Cấp | HSK 3 | HSK 3 | HSK 3 | HSK 4 |
180 – 220 | 221 – 260 | 261 – 300 | >= 180 |
Nguồn: Website Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh (2024)
Ngoài các trường chúng tôi đã ghi trên như Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN, Đại học Hà Nội, Đại học Ngoại thương,… thì nhiều trường đại học khác trên cả nước cũng áp dụng chứng chỉ HSK trong tuyển sinh đại học theo các hình thức khác nhau.
Tùy theo từng trường, HSK có thể được:
- Xét tuyển kết hợp với học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT;
- Quy đổi thành điểm trong tổ hợp môn xét tuyển;
- Hoặc được tính như một tiêu chí cộng điểm ưu tiên.
Mỗi trường sẽ có quy định riêng về mức điểm HSK tối thiểu và bảng quy đổi, ví dụ có trường yêu cầu HSK 4 từ 210 điểm, có trường lại đòi hỏi HSK 5 từ 180 điểm kèm điểm kỹ năng tối thiểu.
Vì vậy, thí sinh cần theo dõi kỹ thông báo tuyển sinh của từng trường để biết chính xác yêu cầu và tận dụng tối đa lợi thế từ chứng chỉ HSK trong hành trình xét tuyển đại học.
II. Top 3 lý do khiến học viên có chứng chỉ HSK ít cạnh tranh hơn
Vì sao xét tuyển đại học bằng HSK ít cạnh tranh hơn và mang lại lợi thế bất ngờ?
Trong xu hướng tuyển sinh mới những năm gần đây, chứng chỉ ngoại ngữ trở thành “tấm vé vàng” giúp học sinh tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học top đầu. Trong khi IELTS hay TOEFL đã trở nên quen thuộc, thì HSK – chứng chỉ tiếng Trung – lại đang mở ra một lối đi riêng, ít người biết nhưng hiệu quả không hề nhỏ.
1. Ít người nộp, cạnh tranh thấp – tỷ lệ trúng tuyển cao
Hiện tại, số lượng thí sinh sở hữu chứng chỉ HSK vẫn còn khá khiêm tốn so với các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc:
- Rất ít học sinh lựa chọn xét tuyển bằng HSK
- Tỷ lệ “chọi” thấp
- Cơ hội trúng tuyển cao, đặc biệt ở phương thức xét tuyển kết hợp.
Ở một số ngành học có tính định hướng ngôn ngữ, chỉ cần bạn có HSK 4 hoặc 5 với điểm số đạt yêu cầu, khả năng “lọt top” trúng tuyển là hoàn toàn trong tầm tay.
2. “Lối đi phụ” cho học sinh mạnh về tiếng Trung nhưng yếu các môn khối
Không phải học sinh nào cũng giỏi toàn diện các môn tự nhiên hay xã hội. Nhưng nếu bạn có năng lực tiếng Trung – dù học từ trung tâm hay tự học – thì HSK chính là “tấm vé phụ” cực kỳ giá trị để bù đắp cho điểm thi chưa như kỳ vọng.
Thay vì phải so kè sát nút trong kỳ thi THPT, bạn có thể tận dụng điểm mạnh tiếng Trung để tạo lợi thế riêng cho mình.
3. Nhiều ngành học, nhiều trường đại học ưu tiên HSK
HSK không chỉ giúp bạn có thêm điểm cộng khi xét tuyển, mà còn là một yếu tố “được lòng” các ngành như:
- Ngôn ngữ Trung Quốc
- Trung Quốc học
- Quan hệ quốc tế
- Thương mại quốc tế
- Và các chương trình liên kết đào tạo với Trung Quốc.
Nhiều trường top đã công bố cụ thể cơ chế cộng điểm HSK, thậm chí quy đổi HSK thành điểm xét tuyển ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển.